Khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ: Chỉ 2 giờ tới TP.HCM

Việc khánh thành cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đi Cần Thơ chỉ còn hơn 2 giờ thay vì 3,5 giờ như hiện nay.

Sáng 24/12, tại tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (giai đoạn 1). Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng dự. 
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h, chiều dài 23km. 
Dự án được khởi công vào tháng 1/2021, đi qua địa phận Vĩnh Long và Đồng Tháp; điểm đầu tại phường Tân Hòa, TP Vĩnh Long, kết nối với cầu Mỹ Thuận 2; điểm cuối tại thị xã Bình Minh, kết nối với Quốc lộ 1.
Dự án được phân kỳ đầu tư 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h; tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, được khởi công vào ngày 16/3/2020, tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt do kỹ sư Việt Nam thiết kế, xây dựng 
Cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên trục cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ, kết nối hai cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, nối liền hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang, là trục đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn bậc nhất trong các trục quốc lộ chính trong khu vực.
Cầu Mỹ Thuận 2 dài gần 2km với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h và đường dẫn hai đầu cầu dài 6,6km, có điểm đầu nối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, điểm cuối nối với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. 
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 là hai dự án cuối của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ TP.HCM đến TP Cần Thơ dài 120km. 
Hai dự án hoàn thành, đưa vào khai thác có ý nghĩa quan trọng, góp phần giảm thiểu ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đi Cần Thơ chỉ còn hơn 2 giờ thay vì 3,5 giờ.
Đồng thời, dần hình thành tuyến hành lang giao thông trục dọc ĐBSCL hoàn chỉnh và hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng Tây Nam Bộ. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, việc khánh thành, đưa vào sử dụng cầu Mỹ Thuận 2 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm giảm áp lực kẹt xe, ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1, cầu Mỹ Thuận 1; kết nối đồng bộ với cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa, rút ngắn thời gian đi lại; tạo liên kết đồng bộ để phát huy hiệu quả các.
“Dự án là cơ sở để ĐBSCL phát triển trong thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Vĩnh nói.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cầu Mỹ Thuận 2 được thi công trong điều kiện hết sức khó khăn, trong thời gian cao điểm diễn ra dịch bệnh Covid-19; khó khăn về nguyên vật liệu, thời tiết, sông sâu… nhưng các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thi công đã quyết tâm cao, vượt qua khó khăn, thách thức.
“Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã 5 lần kiểm tra thực tế tại hiện trường để chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; đôn đốc, chia sẻ, động viên và tặng quà anh, em trên công trường, tạo thêm động lực nên dự án vượt tiến độ đề ra và được khánh thành ngày hôm nay”, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang phát biểu. 
 
Tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời khẳng định, việc khánh thành cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 là kết quả của sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 
“Đây là 2 trong số các dự án trọng điểm, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng. Hai dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, hệ thống vận tải, logistics khu vực ĐBSCL. Nối liền tuyến đường cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ, trở thành trục huyết mạch kết nối giao thương các tỉnh, thành trong vùng với trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là TP.HCM.
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất tốt hơn, thu hút đầu tư vào các vùng đã quy hoạch phát triển sản xuất kinh doanh, các khu, cụm công nghiệp, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh cho các tỉnh, thành trong vùng", ông Lữ Quang Ngời nói. 
 
 
Nguồn; vietnamnet.vn